News - T2, 09/16/2019 - 13:36
Nhận biết và phòng ngừa đột quỵ não
Lần cập nhật cuối 10/29/2019 - 16:29
Đột quỵ não là căn bệnh cấp tính, nguy hiểm, có xu thế gặp nhiều trong những năm gần đây, đứng hàng thứ 3 sau ung thư và tim mạch. Chính vì vậy, hiểu biết về cách phát hiện và xử lý kịp thời giúp giảm tỉ lệ tử vong cũng như biến chứng có thể gây ra cho người bệnh.
Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng tổn thương mạch máu não đột ngột có thể xảy ra do hai nguyên nhân:
- Mạch não bị tắc hay còn gọi là nhồi máu não: Do mạch máu bị xơ vữa làm hẹp dần lòng mạch và tắc tại chỗ, hay cục máu đông, mảng xơ vữa di chuyển từ những vị trí khác lên động mạch não và gây tắc.
- Mạch máu não bị vỡ hay còn gọi là chảy máu não: Do huyết áp tăng hoặc vỡ các dị dạng động mạch não.
Hầu hết các trường hợp đột quỵ não xảy ra một cách đột ngột mà dường như không có triệu chứng báo trước, hoặc các triệu chứng báo trước mơ hồ, chung chung (như mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng, …). Một số bệnh nhân có các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (là các cơn tê yếu nửa người xuất hiện và mất đi trong vòng 24 giờ. )
Nhưng không phải vì thế mà chúng ta không dự phòng được đột quỵ não. Để làm được điều này, quan trọng là phải phát hiện được và khống chế các yếu tố nguy cơ.
Dấu hiệu củađột quỵ não
Việc nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ não có ý nghĩa quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Dưới đây là một số dấu hiệu triệu chứng phổ biến có thể phát hiện sớm chứng đột quỵ:
- Thị lực giảm, nhìn mờ dần cả hai mắt hoặc một mắt.
- Mặt có biểu hiện thiếu cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống, đặc biệt khi cười.
- Cảm giác tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác. Ngoài ra, người bệnh cũng cảm thấy đi lại khó khăn, không nhấc chân lên được.
- Nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức thì mới nói được.
- Rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, mắt mờ, tai ù không nghe rõ.
- Nhức đầu dữ dội. Đây là triệu chứng nặng và khá phổ biến của bệnh đột quỵ, nhất là ở những người có tiền sử bị đau nửa đầu
Khi thấy một người có các triệu chứng kể trên, người nhà nên đỡ người bệnh để không bị té ngã và đặt nằm xuống chỗ thoáng khí. Nếu người bệnh nôn ói hoặc lơ mơ thì phải đặt nghiêng đầu sang một bên, lau sạch chất ói hoặc đờm dãi, thức ăn trong miệng để thở tốt, tránh hít sặc vào phổi.
Sau đó, gọi cấp cứu hoặc dùng xe nhanh chóng đưa tới bệnh viện gần nhất. Tốt nhất là đưa người bệnh đi cấp cứu ở tư thế nằm. Không cạo gió, trích máu, tự ý dùng thuốc (kể cả thuốc hạ huyết áp mà bệnh nhân thường uống) hay để mất thời gian chờ xem người bệnh có khỏe lại hay không.
Cách phòng ngừa đột quỵ não
- Phát hiện sớm các dị dạng mạch (như đau đầu kéo dài, …)
- Yếu tố gia đình: trong gia đình có nhiều người bị tai biến mạch máu não
- Ổn định huyết áp ở những người mắc bệnh huyết áp cao: Huyết áp cao là nguyên nhân chính gây đứt mạch máu não, vì thế bệnh nhân cần được điều trị để ổn định huyết áp, tránh nguy cơ đột quỵ.
- Ổn định đường huyết: Bệnh tiểu đường là yếu tố gây mảng xơ vữa động mạch lớn, dẫn đến thiếu máu ở não. Ổn định đường huyết cũng là cách để phòng ngừa bệnh đột quỵ.
- Kiểm soát cholesterol trong máu.
- Bỏ thuốc lá: Thuốc lá là nguyên nhân chính gây bệnh mạch máu não. Ngừng hút thuốc lá giúp giảm thiểu nguy cơ rất lớn gây đột quỵ.
- Thiết lập một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh, ít dầu mỡ, ít cholesterol và muối.
- Thường xuyên rèn luyện thể chất.
- Ổn định trọng lượng cơ thể.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Theo BS. Đào Thị Bích Hòa, Chuyên khoa Nội thần kinh của Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, do việc điều trị đột quỵ não rất phức tạp, tốn kém và để lại di chứng lâu dài về thần kinh và tâm thần nên cần phát hiện sớm và điều trị các yếu tố nguy cơ (dự phòng cấp 1). Những người từng bị tai biến mạch máu não cần dự phòng tái phát (dự phòng cấp 2).
TRẢ LỜI VÀ TƯ VẤN TRỰC TUYẾN
Để biết thêm chi tiết, vui lòng liên hệ: (84-24) 3577 1100hoặc gửi câu hỏitại đây