Tin Tức - T5, 08/17/2017 - 11:24
Nội soi niệu quản trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý niệu quản
Lần cập nhật cuối 09/16/2017 - 08:59
Các bệnh lý ngoại khoa niệu quản tương đối phổ biến, bao gồm: sỏi, hẹp, khối u…. Phương pháp điều trị kinh điển cho các bệnh lý này vẫn là mổ mở - một phẫu thuật cần thiết song luôn kèm theo những yếu điểm như bệnh nhân phải mổ, rạch cơ thành bụng, đau nhiều, ngày nằm viện kéo dài, nguy cơ nhiễm khuẩn cao, có thể có biến chứng hẹp niệu quản.
Xu hướng trong điều trị ngoại khoa hiện nay là áp dụng các kỹ thuật cao, ít xâm hại cho bệnh nhân nhằm thay thế chỉ định mổ. Sự xuất hiện của nội soi niệu quản đã giúp các nhà tiết niệu khắc phục được vấn đề nói trên. Nội soi niệu quản không chỉ là một phương tiện chẩn đoán mà còn là một phương pháp chẩn đoán hữu hiệu thay thế cho đa số các chỉ định mổ thông thường vào niệu quản.
Nội soi niệu quản là gì?
Dưới gây mê toàn thân hoặc gây tê ngoài màng cứng, ống soi niệu quản được đưa qua niệu đạo, vào bàng quang và lên niệu quản. Nhờ hệ thống camera, ống soi niệu quản cho phép quan sát rõ lòng niệu quản và đài bể thận giúp cho việc xác định bệnh. Hơn thế nữa, qua ống soi ta có thể đưa vào niệu quản các dụng cụ đặc biệt để tán sỏi, gắp sỏi, lưỡi dao nội soi để rạch niệu quản hay cắt mảnh bệnh phẩm. Và cuối cùng là cho phép đặt một ống thông đặc biệt 2 đầu có hình chữ J (sonde JJ) nằm từ bể thận qua niệu quản xuống bàng quang. Ống thông này cho phép nước tiểu chảy từ thận xuống bàng quang, tránh hiện tượng tắc hoặc hẹp lòng niệu quản. Ống JJ không gây phiền phức gì cho bệnh nhân và thường được rút ra một cách dễ dàng qua soi bàng quang.
Ống nội soi niệu quản có 3 loại: cứng, nửa cứng và mềm. Ống soi mềm chủ yếu dùng cho chẩn đoán, đặc biệt nó cho phép quan sát tới tận đài thận giữa và dưới. Loại ống soi cứng và nửa cứng ngoài tác dụng chẩn đoán, chủ yếu dùng để điều trị.
Ứng dụng của nội soi niệu quản
Điều trị sỏi niệu quản
Niệu quản là ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Viên sỏi làm tắc lòng niệu quản sẽ gây cơn đau dữ dội vùng thận và nhanh chóng dẫn đến hủy hoại thận nếu không được điều trị. Một số trường hợp sỏi có thể thoát ra qua đường tự nhiên (đái ra sỏi). Những trường hợp sỏi không thoát ra được, gây tắc đều cần được can thiệp ngoại khoa.
Tán sỏi ngoài cơ thể là phương pháp lựa chọn đầu tiên cho những sỏi niệu quản ở cao – song không phải trường hợp nào cũng đưa lại kết quả. Sỏi niệu quản ở thấp vùng khung chậu không có chỉ định tán sỏi ngoài cơ thế.
Nội soi chẩn đoán sỏi niệu quản được áp dụng cho:
- Tất cả các dạng sỏi niệu quản không nằm trong chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể. Trường hợp đặc biệt có thể áp dụng cho sỏi bể thận và sỏi đài trên thận.
- Sỏi niệu quản đã tán sỏi ngoài cơ thể thất bại
- Sỏi niệu quản tái phát/ hẹp niệu quản sau mổ lấy sỏi niệu quản
Tùy theo kích thước, viên sỏi được gắp ra hoặc tán nhỏ rồi lấy ra nhờ máy tán sỏi và dụng cụ gắp đưa qua ống soi niệu quản. Có trường hợp, viên sỏi có thể được đẩy lên thận và dùng tán sỏi ngoài cơ thể tiếp theo. Nhằm tránh tắc niệu quản và hơn nữa sỏi thận dễ tán ngoài cơ thể hơn so với sỏi niệu quản.
Nội soi điều trị sỏi niệu quản là một ví dụ của việc áp dụng kỹ thuật cao, ít gây hại, tránh được cuộc mổ cho bệnh nhân. Nó không chỉ cho phép quan sát qua hình ảnh điện quang mà còn nhìn rõ qua camera. Nó không chỉ đơn thuần là phương tiện chẩn đoán mà còn là một phương pháp điều trị hữu hiệu.
Thủ thuật nhẹ nhàng, ít gây hại, ít đau đớn, thời gian nằm viện từ 24-28h. Bệnh nhân có thể trở lại làm việc sau 4-5 ngày. Đó là lý do mà nội soi niệu quản đã giúp chúng tôi thực hiện phương châm «Ít đau – Hết sỏi – Chóng bình phục»
Những triệu chứng nhắc nhở bệnh nhân đến các cơ sở y tế khám sớm là: cơn đau dữ dội vùng thắt lưng lan xuống bẹn, bìu, đái ra máu, hoặc đau buốt, đái rắt....
Điều trị hẹp niệu quản
Hẹp niệu quản có thể do các bệnh mắc phải: sau các can thiệp ngoại khoa vào niệu quản, các khối u chèn vào niệu quản... hay do các bệnh bẩm sinh: hẹp phần nối bể thận niệu quản, túi sa niệu quản...
Thông thường, đó là những trường hợp phải mổ. Nội soi niệu quản có thể cho phép chúng ta tránh được những cuộc mổ này.
Dưới gây mê hoặc gây tê ngoài màng cứng, ống nội soi được đưa vào đoạn niệu quản hẹp, đoạn hẹp này có thể được rạch dọc bằng dao nội soi (urétérotomie) để nới rộng đường kính. Sau đó, cũng qua ống nội soi, một ống thông đặc biệt được đưa vào niệu quản, đầu ống thông này có bóng được bơm phồng lên giúp việc nong rộng đoạn niệu quản hẹp (ballon de dilatation).
Gần đây còn có dụng cụ đặc biệt giúp đơn giản hóa các thủ thuật trên, đó là một ống thông ở đầu có một bóng có thể bơm phồng lên được, dọc theo bóng đó được gắn một sợi thép mỏng giúp việc xẻ dọc một cách chính xác đoạn niệu quản hẹp bằng dao điện và sau đó nong rộng niệu quản (ballon-urétérotomie).
Cũng có thể dùng trực tiếp dụng cụ nong niệu quản đặc biệt (dilitation ureteral) để nong rộng đoạn niệu đoạn hẹp.
Và cuối cùng, ống thông JJ được đặt vào niệu quản giúp cho đoạn niệu quản hẹp giữ được kích thước bình thường sau khi đã liền sẹo. Ống JJ sẽ được rút ra một cách dễ dàng sau 3-4 tuần.
Đây là một thủ thuật nhẹ nhàng đơn giản, thao tác kéo dài 30 – 60 phút. Thời gian nằm viện 24 – 48 giờ. Bệnh nhân hầu như không đau và tránh được cuộc mổ.
Nội soi với chẩn đoán và điều trị các khối u trong lòng niệu quản và khoang thận
Việc chẩn đoán một khối u trong lòng niệu quản và khoảng thận đặc biệt ở giai đoạn sớm, không phải lúc nào cũng dễ dàng qua các chẩn đoán hình ảnh.
Triệu chứng bệnh nghèo nàn chỉ với đái máu và mỏi lưng. Chụp hệ tiết niệu có tiêm thuốc cản quang và ngay cả chụp cắt lớp nhiều khi không đưa lại hiệu quả mong muốn. Xét nghiệm tế bào trong nước tiểu đôi khi cho kết quả âm tính giả, hơn thế nữa, với những khối u lành tính luôn cho kết quả âm tính.
Trong những trường hợp nghi ngờ này, nội soi niệu quản thực sự hữu hiệu giúp quan sát rõ tổn thương, cắt mẩu u để xét nghiệm tế bào. Hơn thế nữa còn có khả năng điều trị cắt khối u, được áp dụng trong các trường hợp u lành tính, u ác tính ở giai đoạn sớm, các u ác tính không có chỉ định mổ: thận duy nhất, u cả 2 thận.
Triệu chứng nhắc nhở bệnh nhân đến khám sớm là đau mỏi lưng và đái máu không rõ nguyên nhân.
Kết luận: Cùng với tính ưu việt của nội soi nói chung, nội soi niệu quản với khả năng chẩn đoán và điều trị đã làm thay đổi cơ bản chiến lược điều trị ngoại khoa các bệnh lý đường tiết niệu.. Trong đó, nội soi điều trị sỏi niệu quản là một ví dụ điển hình. Nội soi niệu quản còn cho phép phát hiện sớm và chẩn đoán một số khối u trong lòng niệu quản và khoang thận. Tránh cho bệnh nhân một cuộc mổ nặng nề. Bệnh nhân không bị đau đớn, ngày nằm điều trị ngắn.
Các triệu chứng sau đây nhắc nhở bệnh nhân đến khám sớm ở các cơ sở y tế: đau mỏi lưng, hoặc cơn đau quặn vùng lưng, đái máu hoặc nhiễm trùng tiết niệu kéo dài, tiền sử có mổ niệu quản.
TRẢ LỜI VÀ TƯ VẤN TRỰC TUYẾN
Để biết thêm chi tiết, vui lòng liên hệ: (84-24) 3577 1100hoặc gửi câu hỏitại đây